0

[Hóa học vui] Kim loại nhẹ nhất trong số các kim loại

         Năm 1967, liti - nguyên tố đứng đầu tiên trong  số  các  kim loại trong Hệ thống tuần hoàn của Đ.I. Menđeleep đã kỷ niệm 150 năm ngày nó được tìm ra. Lễ kỷ niệm này diễn ra lúc liti đang ở buổi sung sức: hoạt động của nó trong kỹ thuật hiện đại thật là thú vị và nhiều mặt. Thế mà các nhà chuyên môn vẫn cho rằng, liti vẫn hoàn toàn chưa bộc lộ hết mọi khả năng của mình và họ tiên đoán cho nó một tiền đồ rộng lớn. Nhưng, mời bạn, chúng ta hãy thực hiện một cuộc du lãm vào thế kỷ vừa qua, hãy ngó vào phòng thí nghiệm tĩnh mịch của nhà hóa học

... Đó là ngày mà nhà bác học tiến hành phân tích khoáng vật petalit tìm được ở mỏ Uto gần Stockholm. Ông đã kiểm tra đi kiểm tra lại những kết quả phân tích, nhưng cứ mỗi lần như vậy, ông đều chỉ nhận được tổng số các thành phần là 96%. Vậy thì mất vào đâu 4%? Sẽ ra sao nếu như...? Phải rồi, không còn nghi ngờ gì nữa: khoáng vật này có chứa một nguyên tố mới mà từ trước tới nay chưa có ai biết. Acfvetxơn làm hết thí nghiệm này đến thí nghiệm khác và cuối cùng đã đạt được mục đích: một kim loại kiềm mới đã được phát hiện. Bởi vì, khác với những “người họ hàng” gần gũi của mình - kali và natri mà lần đầu tiên được tìm thấy trong các sản phẩm hữu cơ, nguyên tố mới này được phát hiện trong một khoáng vật, nên nhà bác học đã quyết định gọi nó là liti (theo tiếng Hy Lạp, “liteos” nghĩa là đá)
Ít lâu sau, Acfvetxơn lại tìm thấy nguyên tố này trong các khoáng vật khác, còn nhà hóa học Thụy Điển nổi tiếng Berzelius thì lại phát hiện ra nó trong nước khoáng ở Cacxbat và ở Mariebat. Nhân đây cũng nói thêm rằng, ngày nay, các nguồn nước suối chữa bệnh ở Visi (nước Pháp) sở dĩ nổi tiếng khắp nơi về những tính chất chữa bệnh rất tốt chính là vì trong đó có các muối liti.

Năm 1818, nhà bác học người Anh là Humphry Davy lần đầu tiên đã tách được những hạt liti tinh khiết bằng cách điện phân hiđroxit của nó, rồi đến năm 1855, một cách độc lập với nhau, nhà hoa học Robert Bunsen người Đức và nhà vật lý học Matissen người Anh đã điều chế được liti nguyên chất bằng cách điện phân liti clorua nóng chảy. Đó là một kim loại mềm, trắng như bạc, nhẹ hơn nước gần hai lần. Về mặt này thì liti không gặp một đối thủ nào trong số các kim loại: nhôm nặng hơn nó năm lần, sắt - 15 lần, chì - 20 lần, còn osimi - 40 lần!

Ngay ở nhiệt độ trong phòng, liti cũng phản ứng mãnh liệt với oxi và nitơ của không khí. Bạn hãy thử để một mẩu liti trong bình thủy tinh có nút mài nhám. Mẩu kim loại này sẽ hút hết không khí có trong bình: trong bình xuất hiện chân không và áp suất khí quyển “ấn” vào nút mạnh tới nỗi các bạn khó mà kéo nó ra được. Vì vậy, bảo quản liti là một việc khá phức tạp. Nếu như natri chẳng hạn, có thể bảo quản dễ dàng trong dầu hoả hoặc xăng, thì đối với liti, không thể dùng cách ấy được, vì nó sẽ nổi lên và bốc cháy ngay tức khắc. Để bảo quản các thỏi liti, người ta thường dìm chúng vào trong bể chứa vazơlin hoặc parafin, những chất này bao quanh kim loại và không cho nó bộc lộ tính “háu” phản ứng của mình.
Liti còn kết hợp mạnh mẽ hơn với hiđro. Chỉ một lượng nhỏ kim loại này cũng có thể liên kết với một thể tích hiđrô rất lớn: trong 1 kilôgam liti hiđrua có 2.800 lít khí hiđro! Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ 2, các viên phi công Mỹ đã dùng những viên liti hiđrua làm nguồn hiđrô mang theo bên mình. Họ sử dụng chúng khi gặp nạn ngoài biển: dưới tác dụng của nước, các viên này phân rã ngay lập tức, bơm đầy khí hiđro vào các phương tiện cấp cứu như thuyền cao su, áo phao, bóng-angten tín hiệu.
    Các hợp chất của liti có khả năng hút ẩm cực mạnh, điều đó khiến cho chúng được sử dụng rộng rãi để làm sạch không khí trong tàu ngầm, trong các bình thở trên máy bay, trong  các hệ thống điều hòa không khí.
    Bước vào thế kỷ XX, liti mới được bắt đầu sử dụng trong công nghiệp. Còn trong gần một trăm năm trước đó thì chủ yếu người ta dùng nó trong y học để làm thuốc chữa bệnh thống phong.
Trong thời gian Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nước Đức rất cần thiết để sử dụng trong công nghiệp. Do nước này không có quặng thiếc nên các nhà bác học phải cấp tốc tìm kim loại khác để thay thế. Nhờ có liti nên vấn đề này đã được giải quyết một cách tốt đẹp: hợp kim của chì với liti là một vật liệu chống ma sát tuyệt với. Từ đó trở đi, các hợp kim liti luôn gắn liền với các ngành kỹ thuật. Đã có những hợp kim của liti với nhôm, với berili, với đồng, kẽm, bạc và với nhiều nguyên tố khác. Những triển vọng hết sức to lớn đã rộng mở cho các hợp kim của liti với magiê - một kim loại nhẹ khác có tính chất kết cấu rất tốt: nếu liti chiếm ưu thế thì hợp chất đó sẽ nhẹ hơn nước. Nhưng rủi thay, các hợp kim có thành phần như vậy lại không bền vững, rất dễ bị oxi hóa trong không khí. Từ lâu, các nhà bác học đã ao ước tạo nên một sự phối trí và một công nghệ bảo đảm được tính bền lâu cho các hợp kim liti - magiê. Các nhà khoa học ở Viện luyện kim mang tên A. A. Baicôp thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên Xô đã giải quyết được bài toán đó: bằng lò nồi chân không nung bằng điện trong môi trường khí trơ agon, họ đã điều chế được hợp kim của liti với magie mà không bị mờ xám trong không khí và nhẹ hơn nước.

       Nhiều tính chất quý báu của liti như khả năng phản ứng cao, nhiệt độ nóng chảy thấp (chỉ 180,5 độ c), mật độ các hợp chất hóa học của nó nhỏ, đã khiến cho nguyên tố này được tham gia vào nhiều quá trình công nghệ trong luyện kim đen và luyện kim màu. Chẳng hạn nó đóng vai trò chất khử khí và khử oxi một cách xuất sắc - nó xua đuổi các chất khí như nitơ, oxi ra khỏi các kim loại đang nóng chảy. Nhờ có liti mà cấu trúc của một số hợp kim trở nên mịn hạt, do đó mà những tính chất cơ học của chúng trở nên tốt hơn. Trong sản xuất nhôm, liti thực hiện rất tốt vai trò chất thúc đẩy quá trình. Pha thêm các hợp chất của liti vào chất điện phân sẽ nâng cao được năng suất của bể điện phân nhôm; khi đó, nhiệt độ cần thiết của bể sẽ giảm xuống và tốn phí điện năng sẽ giảm rõ rệt.

     Trước kia, chất điện phân của ăcquy kiềm chỉ gồm các dung dịch xút ăn da (NaOH). Nhưng nếu pha thêm vào chất điện phân này vài gam liti hiđroxit (LiOH) thì tuổi thọ của ăcquy sẽ tăng lên ba lần. Ngoài ra, khoảng nhiệt độ của ăcquy cũng được mở rộng thêm: nó không phóng điện ngay cả khi nhiệt độ lên tới 40 độ C  và ở hai chục độ âm vẫn không bị đông đặc. Chất điện phân không có liti thì không chịu đựng được những thử thách như vậy. Nhật Bản đã chế tạo được loại ăcquy tí hon độc đáo dùng cho các đồng hồ điện tử đeo tay: bề dày của ăcquy chỉ bằng 34 micron, nghĩa là mảnh hơn sợi tóc, trong đó, cực dương là một màng liti cực mỏng, còn cực âm thì làm bằng titan đisunfit. Thiết bị điện tinh vi này chịu đựng được 2000 chu kỳ nạp và phóng điện, mỗi lần nạp điện cho phép đồng hồ làm việc từ 200 - 300 giờ. Các công trình sư của các hãng chế tạo ô tô cũng đặt nhiều hy vọng không nhỏ vào liti. Chẳng hạn, ở Mỹ người ta đã chế tạo pin bằng liti dùng cho ô tô chạy bằng điện năng. Loại xe này có thể đạt tới tốc độ 100km/h và có thể chạy hàng trăm km mà không cần phải thay pin.
 
    Một số hợp chất hữu cơ của liti (stearat, panminat v. v... ) vẫn giữ nguyên được những tính chất vật lý của mình trong khoảng nhiệt độ rộng. Điều đó cho phép sử dụng chúng làm nền cho các vật liệu bôi trơn trong kỹ thuật quân sự. Chất bôi trơn có chứa liti giúp cho các xe chạy trên mọi địa hình đang làm việc ở Nam cực thực hiện được các hành trình vào sâu trong lục địa này, nơi mà nhiệt độ băng giá có khi thấp đến -80 độ C. Chất bôi trơn chứa liti là trợ thủ đắc lực cho những người đua ô tô. Những người chủ của loại xe ô tô “jiguli” tin chắc ở điều đó nên không phải ngẫu nhiên mà họ gọi nó là chất bôi trơn “vĩnh cửu”: Khi mới bắt đầu sử dụng, chỉ cần dùng nó để bôi trơn một lần cho các chi tiết hay cọ xát của ô tô, thế là nhiều năm sau không cần phải lặp lại công việc ấy nữa.

     Trong chúng ta chắc ai cũng đã nghe nói đến những phép lạ mà những người iôga Ấn Độ thường làm. Trước mặt đám công chúng đầy kinh ngạc, họ nhai chiếc cốc thủy tinh thành những mảnh nhỏ chẳng khác gì ăn chiếc bánh bích -quy bình thường, rồi lại còn nuốt chúng với vẻ thích thú, như thể trong đời họ chưa hề được ăn một thức gì ngon hơn. Còn bạn đã từng nếm thử thủy tinh chưa? “Câu hỏi thật quá vô lý! Tất nhiên là chưa!”. Có lẽ bất cứ người nào khi đọc này đều nghĩ như vậy. Như thế là nhầm rồi đấy. Thật ra thì thủy tinh thông thường vẫn hòa tan trong nước. Tất nhiên là không phải ở mức độ chẳng hạn như đường, nhưng dù sao nó vẫn bị hòa tan. Những chiếc cân phân tích chính xác nhất cho biết rằng, cùng với cốc nước chè nóng, chúng ta còn uống khoảng một phần vạn gram thủy tinh. Nhưng nếu khi nấu thủy tinh, ta pha thêm một ít muối lantan, muối ziriconi và muối liti thì độ hoà tan của nó trong nước sẽ giảm hàng trăm lần. Thuỷ tinh sẽ rất bền vững ngay cả đối với axit sunfuric.

    Hoạt động của liti trong ngành sản xuất thủy tinh không phải chỉ bó hẹp trong việc hạ thấp độ hòa tan của thủy tinh. Thủy tinh chứa liti được đặc trưng bởi những tính chất quang học rất quý giá, tính chịu nhiệt tốt, suất điện trở cao, mất mát điện môi ít. Đặc biệt, liti còn tham gia vào thành phần của thủy tinh dùng làm đèn hình trong các máy thu hình. Nếu ta xử lý kính cửa sổ thông thường trong các muối liti nóng chảy thì trên bề mặt của nó sẽ hình thành một lớp bảo vệ: kính sẽ bền gấp đôi và chịu đựng tốt hơn đối với nhiệt độ cao. Pha thêm một lượng nhỏ nguyên tố này cũng giảm được rất nhiều nhiệt độ nấu của thủy tinh.
Từ xa xưa, giọt sương được dùng làm biểu tượng cho tính trong suốt. Nhưng ngay cả những thứ thủy tinh trong suốt như giọt sương cũng không đáp ứng được nhu cầu của kỹ thuật hiện đại. Kỹ thuật hiện đại cần có những vật liệu quang học không những để cho các tia sáng nhìn thấy được bằng mắt thường xuyên qua, mà còn phải để cho các tia không nhìn thấy, chẳng hạn như tia tử ngoại cũng xuyên qua được. Với kính thiên văn thông thường, các nhà vật lý thiên văn không thể thu nhận được bức xạ của những thiên hà  ở  rất xa. Trong số  các  vật liệu mà bộ  môn quang học biết đến thì liti clorua có độ trong suốt cao nhất đối với tia tử ngoại. Các thấu kính làm bằng các đơn tinh thể của chất này cho phép các nhà nghiên cứu xâm nhập sâu thêm rất nhiều vào những bí mật của Vũ trụ.

Liti đóng vai trò không nhỏ trong việc sản xuất các loại men sứ, men sắt, các chất màu, đồ sứ và đồ sành có chất lượng cao. Trong công nghiệp dệt, một số hợp chất của nguyên tố này được dùng để tẩy trắng và cầm màu vải, còn một số chất khác thì dùng để nhuộm vải.
Các muối của liti rất quen thuộc với các nhà chế tạo và sử dụng thuốc nổ: chúng làm cho vệt đạn vạch đường và pháo sáng có màu xanh lục - lam rực rỡ.
Trò ảo thuật sau đây dựa trên khả năng hỏa thuật của liti. Bạn hãy dùng que diêm để đốt một cục đường nhỏ, và sẽ chẳng có điều gì xảy ra cả: đường bắt đầu nóng chảy nhưng không cháy. Còn nếu trước đó mà bạn xát miếng đường vào tàn thuốc lá thì nó sẽ bốc cháy dễ dàng với ngọn lửa màu xanh da trời rất đẹp. Sở  dĩ như vậy là vì trong thuốc lá cũng như trong nhiều thực vật khác, hàm lượng liti tương đối lớn. Khi đốt cháy thuốc là, một phần các hợp chất của liti vẫn còn lại trong tro tàn. Chính vì thế mà ta làm được trò ảo thuật đơn giản này.

Nhưng tất cả những gì vừa kể ở trên mới chỉ là những công việc thứ yếu, những “nghề phụ” của liti. Nó còn làm được những công việc quan trong hơn. Đây muốn nói đến ngành năng lượng học hạt nhân, ở đó, có thể chẳng bao lâu nữa liti sẽ bắt đầu đóng vai trò của một trong những “cây đàn vĩ cầm số một”. Các nhà bác học đã xác định được rằng, hạt nhân của đồng vị liti-6 có thể dễ bị nơtrôn phá vỡ. Khi hấp thụ nơtrôn, hạt nhân của liti trở nên kém bền vững và bị phân rã, kết quả là hai nguyên tử mới sẽ hình thành đó là khí trơ nhẹ heli và hiđrô siêu nặng  - triti  - cực kỳ hiếm. Ở nhiệt độ rất cao, các nguyên tử triti và đơteri (một đồng vị khác của hidro) sẽ kết hợp với nhau. Quá trình đó kèm theo sự giải phóng một lượng năng lượng khổng lồ mà thường được gọi là năng lượng nhiệt hạch.

Các phản ứng nhiệt hạch cực kỳ mãnh liệt sẽ xảy ra khi dùng nơtron bắn phá liti đơteri - một hợp chất của đồng vị liti-6 với đơteri. Chất này được dùng làm nguyên liệu hạt nhân trong các lò phản ứng liti, là những lò mà so với những lò phản ứng urani thì có nhiều ưu điểm hơn: liti dễ kiếm và rẻ tiền  hơn  nhiều  so với urani, còn khi phản ứng thì không tạo ra các sản phẩm phân hạch có tính phóng xạ và quá trình phản ứng dễ điều chỉnh hơn.

Liti-6 có khả năng bắt giữ các nơtron chậm khá tốt, đó là cơ sở để sử dụng nó làm chất điều tiết cường độ các phản ứng diễn ra ngay cả trong các lò phản ứng urani. Nhờ tính chất này mà đồng vị liti-6 còn được sử dụng trong các lá chắn chống bức xạ và trong các bộ pin nguyên tử có thời hạn sử dụng lâu dài. Trong tương lai không xa, liti - 6 rất có thể sẽ trở thành chất hấp thụ nơtron chậm trong các khí cụ bay dùng năng lượng nguyên tử.

Cũng như một số kim loại kiềm khác, liti được sử dụng làm chất tải nhiệt trong các thiết bị hạt nhân. Ở đây có thể dùng một đồng vị dễ kiếm hơn của nó, đó là  liti-7  (trong  liti  thiên  nhiên, đồng vị này chiếm khoảng 93%). Khác với “người em” nhẹ hơn của mình, đồng vị này không thể dùng làm nguyên liệu để sản xuất triti, vì vậy mà nó không được quan tâm tới trong kỹ thuật nhiệt hạch. Nhưng với vai trò là chất  tải  nhiệt  thì nó  lại  tỏ  ra rất đắc lực. Nhiệt dung và độ dẫn nhiệt cao, nhiệt độ của trạng thái nóng chảy nằm trong một khoảng rộng, độ nhớt không đáng kể và mật độ nhỏ - đó là những điều giúp nó hoàn thành tốt nhiệm vụ này.
Trong thời gian gần đây, kĩ thuật tên lửa bắt đầu dành cho liti những địa vị quan trọng. Muốn vượt qua lực hút của trái đất để vượt lên khoảng không gian ngoài vũ trụ cần phải chi phí rất nhiều năng lượng. Chiếc tên lửa từng đưa con tàu trở nhà du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới Iuri Gagarin lên quỹ đạo có sáu động cơ với công suất tổng cộng là 20 triệu mã lực! Đó là công suất của hai chục nhà máy thủy điện cỡ như Nhà máy thủy điện Điện. Tất nhiên, việc lựa chọn nhiên liệu cho tên lửa là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Cho đến nay, dầu hỏa (đúng là dầu hỏa già cả và tốt bụng) được oxi hóa bởi oxi lỏng vẫn được coi là nhiên liệu hữu hiệu nhất. Khi đốt nhiên liệu này, năng lượng phát ra lớn gấp hơn 1,5 lần so với khi cho nổ cũng một lượng như vậy loại thuốc nổ Nitroglixerin là loại thuốc nổ mạnh nhất.

Việc sử dụng nhiên liệu kim loại có thể có những triển vọng tuyệt vời. Lần đầu tiên cách đây hơn nửa thế kỷ, các nhà bác học Xô -viết nổi tiếng là F. A. Txanđer và Iu. V. Conđrachiuk đã khởi xướng lý thuyết và phương pháp sử dụng kim loại làm nhiên liệu cho động cơ tên lửa. Liti là một trong số những kim loại thích hợp nhất cho mục đích này (chỉ có berili mới có thể “huênh hoang” về suất tỏa nhiệt lớn). Ở Mỹ người ta đã công bố những phát minh về nhiên liệu rắn dùng cho tên lửa trong đó chứa từ 51 đến 68% liti kim loại.
Một điều đáng chú ý là trong quá trình làm việc của các động cơ tên lửa, liti lại phải chống chọi lại với... liti. Là một thành phần của nhiên liệu, nó cho phép sản sinh ra nhiệt độ rất cao, còn các vật liệu gốm chứa liti (chẳng hạn như stupalit) có tính chịu nhiệt cao thì được dùng làm lớp phủ ống phun và buồng đốt để bảo vệ chúng khỏi bị nhiên liệu liti phá hủy.

Trong thời đại chúng ta, kĩ thuật đã làm ra nhiều vật liệu tổng hợp đa dạng - các polime. Chúng được sử dụng một cách thành công để thay thế thép, đồng thau, thủy tinh. Tuy nhiên, các nhà công nghệ đôi lúc cũng gặp những khó khăn lớn khi mà việc chế tạo một số những sản phẩm đòi hỏi họ phải liên kết các polime với nhau hoặc với các vật liệu khác. Chẳng hạn, polime teflon chứa flo - một chất phủ chống ăn mòn rất tuyệt diệu - trong một thời gian dài vẫn không được sử dụng trong thực tiễn chỉ vì nó không chịu bám vào kim loại. Các nhà bác học Xô Viết đã hoàn chỉnh được một công nghệ hàn hạt nhân rất độc đáo để hàn gắn các polime với các vật liệu khác. Các bề mặt cần hàn được bôi một lớp mỏng các hợp chất của liti hoặc bo; các hợp chất này được dùng làm lớp “keo hạt nhân” đặc biệt. Khi dùng nơtron chiếu vào lớp keo này thì sẽ sinh ra các phản ứng hạt nhân kèm theo sự giải phóng một năng lượng lớn, nhờ vậy mà sau một khoảng thời gian cực ngắn (chưa đến một phần tỷ giây), trong các vật liệu sẽ xuất hiện các vi đoạn có nhiệt độ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn độ. Nhưng cũng sau những khoảnh khắc này, các phân tử ở các lớp tiếp giáp đã kịp dịch chuyển và đôi khi còn kịp tạo ra những mối liên kết hóa học mới với nhau - quá trình hàn hạt nhân diễn ra như vậy.

Thông thường, các nguyên tố nằm ở góc trên cùng bên trái của bảng Menđeleep đều phổ biến rộng rãi trong thiên nhiên. Tuy vậy, khác với đa số các “bạn láng giềng” của mình - natri, kali, magie, canxi, nhôm, là những nguyên tố có nhiều trên hành tinh của chúng ta, liti lại tương đối hiếm. Trong thiên nhiên chỉ có khoảng ba chục khoáng vật chứa nguyên tố quý báu này. Hợp chất thiên nhiên chủ yếu của liti là spođumen. Các tinh thể của khoáng vật này có hình dạng tựa như những thanh tà vẹt đường sắt hoặc thân cây, đôi khi đạt đến kích thước khổng lồ: tại  bang  Nam Dakota (nước Mỹ) đã tìm thấy một tinh thể dài hơn 15 m và nặng hàng chục tấn. Tại các mỏ ở Mỹ đã phát hiện ra các biến thể của spođumen có màu xanh ngọc bích và màu tím phớt hồng rất đẹp. Đó là các khoáng vật hiđenit và cunxit rất quý.
Đá pecmatit dạng granit có thể giữ một vai trò to lớn trong việc dùng làm nguyên liệu để sản xuất liti. Người ta dự tính rằng, trong 1 kilômét khối granit có tới hơn một trăm ngàn tấn liti. Đó là một lượng lớn hơn rất nhiều so với lượng liti khai thác được hàng năm ở tất cả các nước cộng lại. Trong các kho tàng granit, bên cạnh liti còn có niobi, tantali, ziricon,  thori,  urani,  neođim, xezi, xeri, prazeođim và nhiều nguyên tố hiếm khác. Nhưng làm thế nào để bắt được đá granit phải chia sẻ của cải của nó với con người? Các nhà bác học đã ra sức tìm tòi và nhất định sẽ sáng tạo ra những phương pháp tựa như câu thần chú “Vừng ơi! Hãy mở ra!”, cho phép con người mở cửa các kho báu granit.

Để kết thúc câu chuyện về liti, chúng tôi xin kể một chuyện vui, trong đó nguyên tố này đã đóng vai trò rất quan trọng. Năm 1891, anh sinh viên vừa tốt nghiệp trường Đại học tổng hợp Havard ở Mỹ tên là Rôbec Ut (Robert Wood) (sau này trở thành nhà vật lý học nổi tiếng) đã đến Bantimo để nghiên cứu hóa học tại trường đại học tổng hợp địa phương. Khi đến ở trong khu nhà trọ của sinh viên, Ut nghe đồn rằng, bà chủ hình như vẫn làm món thịt rán buổi sáng... bằng những miếng thịt góp nhặt từ những đĩa thừa lại từ bữa trưa ngày hôm trước. Nhưng làm thế nào để chứng minh điều  đó?
Vốn là người rất thích tìm lời giải độc đáo đồng thời lại đơn giản cho mọi bài toán, lần này, Ut cũng không làm trái với những nguyên tắc của mình. Một hôm, trong bữa ăn chưa người ta dọn ra món bíttết, anh bèn để thừa lại trên đĩa vài miếng thịt khá to sau khi rắc lên đó một ít muối liti clorua - một chất hoàn toàn không độc, bề ngoài và mùi vị rất giống muối ăn bình thường. Ngày hôm sau, những viên thịt rán trong bữa ăn sáng của sinh viên đã được đem “thiêu” trước khe hở của kính soi quang phổ. Vạch đỏ của quang phố vốn đặc trưng cho liti đã cho một kết luận dứt khoát: bà chủ nhà trọ quá keo kiệt đã bị vạch mặt. Còn Ut thì mãi nhiều năm sau vẫn thấy thích thú mỗi khi hồi tưởng lại cuộc thực nghiệm tìm vết của  mình.



tác giả

Thích học hóa. End!@@. Nếu bạn thấy bài viết hay, thì hãy đăng ký nhận bài viết mới nhé.


Nếu bạn có vấn đề gì cần thảo luận vui lòng liên hệ: Contact Us.
♥ Facebook: https://www.facebook.com/Chemistry.and.pharmacy
♥ Youtuble :https://www.youtube.com/c/ChemistryMr
♥ Youtuble :My Love
♥ Youtuble :Like films
♥ Gmail: forumchemitry@gmail.com

Đăng nhận xét

 
Top